35% ung thư là do “từ miệng mà ra”
Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới trong buổi Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách an toàn thực phẩm năm 2011-2016” trình bày trước Quốc hội, thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn.
An toàn thực phẩm đã đến giới hạn đỏ
Vào sáng ngày 5/6, Quốc hội đã tổ chức thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2011-2016”.
Theo báo cáo, trong giai đoạn này, cả nước đã thành lập 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm và tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng lên 67,1% trong năm 2016; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP…
Tuy đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng cũng vẫn tồn đọng nhiều vấn đề. Đó là hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ATTP còn chưa tương xứng với nhiệm vụ; đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng yêu cầu; lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ ngành, đơn vị nên việc triển khai còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao
Tình trạng ngộ độc thực phẩm vè các bệnh truyền qua thực phẩm khá nghiêm trọng, trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.
Cũng theo báo cáo, phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở vật chất không đảm bảo, mất an toàn thực phẩm. Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau
Đặc biệt mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới ung thư. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây 35% ca mắc ung thư và trên thực tế, nguyên nhân này chúng ta có thể phòng được.
“Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; việc kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa được chú trọng nên rất khó đánh giá mức độ ATTP”, báo cáo nêu.
Tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh nước giải khát, bia và rượu
Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe.
Ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự.
Cần xử lí vi phạm quyết liệt hơn
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), việc quản lý ATTP bằng cách chia nhóm ngành hàng quản lý theo 3 Bộ (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT), nhưng sự phối hợp quản lý giữa 3 Bộ này chưa chặt chẽ. Đáng lưu ý, việc phát hiện các vụ việc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu và kém.
“Chúng ta đã có lực lượng thanh tra, kiểm tra, nhưng mới chủ yếu kiểm tra xem cơ sở này, đơn vị kia có giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh ATTP hay không, mà chưa chú trọng làm rõ có vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Điều này dẫn đến nhiều sự vụ lớn gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn bị lọt lưới”, bà Lan nói.
Theo đại biểu này, để nắm bắt được vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm không phải cứ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, khua chiêng gõ trống một năm vài lần là xong, mà cần áp dụng quy trình tương tự như điều tra. Phải có sự đầu tư cho lực lượng thanh tra ATTP. Đây phải là đội ngũ thực sự chuyên nghiệp, có tâm, dám phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng, chứ cứ như cách làm hiện nay thì rất khó có hiệu quả.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng nhấn mạnh, phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác. “Tôi kêu gọi những người sản xuất thực phẩm phải có lương tri trong vấn đề này. Đừng để những vấn đề của chúng ta hôm nay thành gánh nặng cho mai sau”.
Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đề nghị cần một cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm. “Con em chúng ta hôm nay và tương lai đang trông chờ vào sự quyết liệt của Chính phủ”, ông Bình nói.
Theo Một thế giới